Xây dựng trở lại Án lệ Việt Nam

Chính sách chung

Trụ sở Trung ương Đảng, nơi diễn ra hội nghị thông qua chiến lược về pháp luật, trong đó có án lệ.

Năm 1975, Việt Nam thống nhất và bước sang thời kỳ mới. Trong giai đoạn 1975–2005, khái niệm án lệ hầu như không được sử dụng chính thức trong các sách, báo pháp lý mà chỉ được bàn luận mang tính chất nghiên cứu học thuật; vấn đề về án lệ không được nhắc lời trong các văn bản pháp luật và thực tiễn xét xử, không được pháp luật thừa nhận.[51]

Năm 2005, trong giai đoạn trước khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới, Đảng Cộng sản Việt Nam đã tổ chức các hội nghị trung ương, thông qua nhiều chủ trương, chiến lược trong đó có chiến lược hoàn thiện hệ thống pháp luật và chiến lược cải cách tư pháp,[52] đều đề cập tới án lệ. Án lệ được đề xuất để xây dựng trở lại theo phương án nghiên cứu về khả năng khai thác, sử dụng cùng tập quán, thông lệ thương mại trong nước lẫn quốc tế,[53] giao nhiệm vụ phát triển án lệ và giám đốc thẩm, tái thẩm cho Tòa án nhân dân tối cao.[54][55] Sau đó, Tòa án đã xây dựng và phê duyệt đề án phát triển án lệ với mục tiêu nâng cao chất lượng của bản án, quyết định của ngành tòa án, đặc biệt là các quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng Thẩm phán, tòa chuyên trách; góp phần đảm bảo việc áp dụng pháp luật đúng, thống nhất, từ đó đảm bảo sự bình đẳng của mọi tổ chức và công dân trước pháp luật.[56] Án lệ được đưa vào luật từ 2014 sau khi được Quốc hội Việt Nam khóa XIII thông qua, giao nhiệm vụ và quyền hạn cho Hội đồng Thẩm phán,[57] Chánh án trong việc tổng kết phát triển, lựa chọn và công bố án lệ,[58] rồi sau đó là hướng dẫn tiến hành các hoạt động này năm 2015.[59] Năm 2016, sáu án lệ đầu tiên là Án lệ 01, 02, 03, 04, 05, 06 được công bố, mở đầu cho thời kỳ hoạt động trên thực tế.[60]

Hợp tác quốc tế

Khi tiến hành xây dựng án lệ 2015–16, Tòa án nhân dân tối cao đã tổ chức những cuộc hội thảo ở Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh để lấy ý kiến các chuyên gia pháp lý, nhà khoa học, nhà hoạt động thực tiễn đối với công tác phát triển án lệ. Thời gian này, có nhiều bài viết, quan điểm từ các luật gia thể hiện quan điểm ủng hộ xây dựng án lệ theo những góc nhìn như lịch sử án lệ Việt Nam, so sánh với các quốc gia thuộc cả hai hệ thống luật là thông luật Anh Mỹluật thành văn châu Âu lục địa.[61] Hàng năm, tòa án tổ chức các cuộc hội thảo để nhận góp ý dự thảo án lệ, sơ kết công tác án lệ phối hợp tổ chức với Liên minh Châu Âu, Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc, Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản, Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc[lower-alpha 10] về chỉnh lý, hoàn thiện các dự thảo, đảm bảo các bản án, quyết định được lựa chọn, phát triển thành án lệ thực sự chất lượng, có tính chuẩn mực.[62] Hoạt động hợp tác còn có mục tiêu giải quyết vấn đề khi soạn thảo bản án, quyết định đã phân tích, lập luận về tình huống pháp lý, giải pháp pháp lý nhưng chủ yếu tập trung giải quyết tình huống pháp lý cụ thể trong vụ án đó mà chưa hướng đến việc khái quát tình huống pháp lý và giải pháp pháp lý có thể áp dụng cho các vụ việc có tính chất tương tự.[63]